TỔ CHỨC THI CẤP CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ DU LỊCH
"HƯỚNG DẪN VIÊN CHẮC SƯỚNG LẮM, ĐƯỢC ĐI DU LỊCH NHIỀU NƠI"
Mọi người cho rằng – du lịch là ngành ăn chơi – vậy nên sinh viên ngành DL cũng sướng hơn thiên hạ? Nhiều sinh viên ngành du lịch khi chọn ngành nghề ắt hẳn cũng suy nghĩ như vậy. Thực tế hoàn toàn trái ngược lại. Ăn chơi là việc của khách còn nhân viên ngành DL phải phục vụ cho thiên hạ ăn chơi. Họ càng vui vẻ thì mình lại càng mệt. Kể cả khi du khách nghỉ ngơi thì mình vẫn phải chuẩn bị cho kế hoạch kế tiếp.
Nhà hàng – phục vụ toàn món ngon vật lạ, cao lương mĩ vị thế nhưng nhân viên nào được thưởng thức mà chỉ được nhìn và ngửi. Khách sạn – bố trí toàn phòng sang trọng thế nhưng nhân viên chỉ phụ trách dọn dẹp, lau chùi. Lữ hành – thiên hạ đi chơi một lần đã ngán bởi ngồi xe – máy bay –tàu lửa…còn hướng dẫn du lịch thì phải đi suốt quanh năm suốt tháng, thậm chí không thể ngồi mà phải đứng để thuyết minh, hoạt náo, kể chuyện…
Càng khổ hơn là du lịch là ngành mới nên “HOT”. Vì vậy, thiên hạ tranh nhau đi học – đua nhau mở trường. Nào là trường nghiệp vụ, trường trung cấp nghề. Hễ có trường là có khoa Du Lịch hoặc khoa Du Lịch + (tặng kèm một ngành khác) nên vấn đề bằng cấp cũng rất đa dạng. Nào Địa Lý Du Lịch (Đại học Xã Hội và Nhân Văn), Văn Hóa DL (Đại Học Văn Hóa, Cao Đẳng Văn Hóa), Môi Trường – DL (Đại Học Nông Lâm), Việt Nam Học (Đại Học Sư Phạm, Sài Gòn, Tôn Đức Thắng…). Thậm chí có trường còn không phân biệt rõ ràng các thuật ngữ DL (Tourist) bao gồm cả thuật ngữ lữ hành (Travel), Khách sạn (Hotel), nhà hàng (Restaurant ) nên có tên trường Nghiệp Vụ DL Nhà Hàng Khách Sạn thay vì chỉ cần Nghiệp Vụ Du Lịch là đã đủ.
Vì thiên hạ đua nhau đi học và đua nhau mở lớp nên thiếu thầy. Ai cũng mở lớp được nên ai cũng có thể làm thầy du lịch. Nhiều thầy cô chỉ học lý thuyết, dù đã có bằng giáo sư – tiến sĩ nhưng chưa một ngày được làm việc trong ngành nên dạy cứ như trên mây. Các lãnh đạo doanh nghiệp có kinh nghiệm thực tế thì lại thiếu kiến thức sư phạm. Có mấy sinh viên giỏi, được giữ lại trường, học lên Cao học – Thạc sĩ. Thế là nghiễm nhiên thành giáo viên toàn lý thuyết. Còn thầy dạy hoạt náo mà vẫn chưa học xong THPT…
Thay vì dạy từng chuyên ngành riêng biệt: Lữ Hành, Nhà Hàng, Khách Sạn thì nhiều trường trung cấp, cao đẳng và một số trường đại học gộp chung thành một lớp. Bởi học đủ thứ nhưng chỉ làm một thứ nên không chuyên. Thực trạng này là hậu quả của việc nhà trường không hiểu gì về ngành DL. Hoặc hiểu nhưng không tuyển sinh đủ, gộp lớn để có lời nhiều hơn. Có trường còn lập lờ đào tạo Quản Trị DL. Sinh viên cứ ngỡ học ngành này để ra làm lãnh đạo trong khi thực tế chưa thể làm nhân viên vì trường dạy toàn lý thuyết.
Nhưng khổ nhất là việc thực hành tuyến điểm của ngành hướng dẫn viên. Thay vì cùng với sinh viên chọn các công ty có uy tín hoặc đấu thầu để chọn mặt gởi vàng thì nhiều trường lại tự tổ chức để kiếm lời. Có trường còn xem đây là cơ hội làm ăn lớn. Có trường trung cấp tổ chức tour xuyên Việt 21 ngày với giá 9 triệu vnd/người trong khi biết vận dụng có thể làm với giá trên dưới 7 triệu đồng/người. Sinh viên biết các thầy cô và nhà trường “cắt cổ” nhưng nếu không tham gia thì khỏi tốt nghiệp! Lỡ chọn nhầm trường thì đành phải theo lao. Các điểm tham quan, các khách sạn đều có chế độ miễn giảm cho sinh viên nếu cả nhà trường và đơn vị tổ chức thật lòng vì sinh viên. Nhiều bạn mê ngành lữ hành nhưng phải học khách sạn vì không có tiền đi thực tế.
Chương trình học cứ được áp đặt theo chủ quan Bộ chứ không quam tâm du khách cần gì. Những môn quan trọng cần học thì dạy qua loa và học chay là chủ yếu mà không được dạy thực hành trên tour hay trong khách sạn nhà hàng . Bởi thế, hầu như sinh viên tốt nghiệp lý thuyết ở trường xong là phải học tiếp phần thực hành ở các đơn vị du lịch. Môn thiết kế tour (producer) đáng lý phải có chuyên ngành riêng hoặc phải được học thật kỹ thì nhiều trường không dạy (có khi muốn dạy nhưng không kiếm được giảng viên) hoặc chỉ dạy qua loa từ 30-45 tiết! Không có các “Producer” thì sản phẩm nghèo nàn bởi ăn cắp, copy tour của nhau là lẽ thường.
Hiện nay, hầu hết các trường học từ tư thục, dân lập đến công lập đều thu học phí của sinh viên. Dù phải bỏ tiền đi học nhưng sinh viên không được can dự vào bất cứ vấn đề gì liên quan tới mình. Từ việc nội dung, chất lượng dạy đến năng lực giảng viên. Từ vấn đề tổ chức thực hành tuyến điểm đến việc gia tăng học phí hoặc bố trí cahọc không phù hợp (do một số thầy cô phải chạy show). Thay vì nhà trường phải chủ động tìm kiếm đơn vị để gửi sinh viên tới thực tập thì lại bỏ mặc cho sinh viên tự xoay sở . Các đơn vị DL không phải là cấp dưới của trường mà chỉ cần giấy giới thiệu hay công văn tới là phải nhận. Các đơn vị DL cũng không có nhiều thời gian để tiếp nhận xem xét từng sinh viên. Nhà trường, đặc biệt là các thầy cô tham gia giảng dạy, nhất là các thầy cô tổ chức thực hành tuyến điểm phải có trách nhiệm tìm nơi thực tập và tìm việc làm cho sinh viên. Dĩ nhiên bạn nào có thể tự mình tìm được thì càng tốt. Nếu sinh viên chưa tìm được việc làm vì thiếu kỹ năng thì phải dạy bổ sung. Như vậy mới công bằng, do sinh viên là sản phẩm của nhà trường, Gần như tất cả các nhà sản xuất đều phải tìm cách tiếp thị tiêu thụ sản phẩm của mình.
Với các bạn sinh viên – phải cân nhắc tìm hiểu thật kỹ để chọn nghề phù hợp.Do đó là tương lai của mình. Phương thức học cũng phải trở nên chủ động hơn vì chúng ta đã là sinh viên mà không còn là học sinh. Chỉ đến khi nào mối quan hệ Nhà Trường – Sinh Viên –Doanh Nghiệp biến thành tam giác đều, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau thì lúc đó nổi khổ của sinh viên – thật ra nhà trường và doanh nghiệp cũng khổ - mới trở thành niềm vui chung của xã hội.
Nguyễn Văn Mỹ
Xem chi tiết lớp học nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch: to chuc thi cap chung chi nghiep vu du lich
Liên hệ: 0902 76 76 63 (Ngọc Trâm)